BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

HIẾN MÁU - LỢI ÍCH VÀ HY VỌNG

      Hiến máu nhân đạo, một hành động thể hiện sự chia sẻ của những người khỏe mạnh và giúp đỡ những người bệnh đang cần máu để điều trị cũng như duy trì sự sống. Tất cả chúng ta, người có sức khoẻ bình thường đều có thể hiến một phần máu của mình để cứu người mà không hề ảnh hưởng đến sức khoẻ. Điều này đã được chứng minh bằng cơ sở khoa học và thực tiễn. Người hiến máu ở độ tuổi nữ tữ 18 - 55 và nam từ 18 - 60, Cân nặng > 45kg. Một năm hiến máu tối đa từ 3 - 4 lần cách nau 3 – 4 tháng. Không mắc bệnh lý, không bị nhiễm các tác nhân lây qua đường truyền máu, không có hành vi nguy cơ, đều có thể hiến máu.

 

      Việc hiến máu ngoài mang lại ý nghĩa với cộng đồng thì với bản thân người cho máu cũng có lợi ích rất nhiều. Mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống là khoảng 25-50 ml máu. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7-8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới. Sau hiến máu các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Do đó khi hiến máu việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn. Ngoài ra các kích tố của một số cơ quan nội tiết, tiết ra để kích thích tạo tế bào máu còn tạo cho việc chuyển hoá của cơ thể tốt hơn sau khi hiến máu. (Hình 1)

 
 

Hình 1: Hiến máu nhân đạo, một cử chỉ cao đẹp

 
 

      Ngày 17/07/2017, tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã diễn ra hoạt động hiến máu nhân đạo với sự tham gia của các đối tượng là Đoàn viên thanh niên, nhân viên đang làm việc tại bệnh viện. Ngoài hoạt động hiến máu định kỳ, các nhân viên Y tế tại bệnh viện Truyền máu Huyết học còn tham gia vào Ngân hàng máu sống, Ngân hàng máu Phenotybe với mục đích kịp thời cung cấp máu cho người bệnh đang cần tại bệnh viện. “Chúng tôi là nhân viên bệnh viện, hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ sự cần thiết của việc hiến máu cứu người. Cần 02 người khỏe mạnh như chúng ta hiến máu thì mới chỉ đủ cho 01 người bệnh truyền 01 lần. Mà người bệnh thì không phải chì cần truyền một lần là có thể cải thiện sức khỏe, vì vậy hành động hiến máu này chỉ là góp một phần nhỏ vào cuộc chiến giành lại sức khỏe của người cần máu. Chúng tôi muốn mang lại chút hy vọng cho người bệnh và biết đâu sau này người cần máu lại chính là mình thì sao?” những chia sẻ này là của một nhân viên bệnh viện, người đã có hơn 10 lần hiến máu cho người bệnh. (Hình 2)

 
 

Hình 2: Nhân viên bệnh viện vui vẻ tham gia hiến máu

 
 

      Hiến máu nhận đạo, người hiến máu làm việc thiện san sẻ với cộng đồng, có ý thức đảm bảo an toàn cho người nhận, bản thân giữ gìn sức khỏe có lối sống lành mạnh để tiếp tục tham gia hiến máu trở lại, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ không có hại cho sức khỏe.

 

      Cho đến nay chưa có một chế phẩm sinh học nào có thể thay thế hoàn toàn chức năng của máu, vì vậy nguồn máu để cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân vẫn từ nguồn người hiến máu.

      Hiện nay nhu cầu sử dụng máu của Việt nam là khoảng 1.600.000 đơn vị máu (Theo ước tính của WHO). Mặc dù số lượng máu hàng năm đều tăng nhưng chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng. Điều này khiến cho cuộc sống của những người bệnh cần truyền máu bị đe dọa từng ngày.

 
 
 
 
Phan Vũ Anh - T3G 
Phan Vũ Anh

TIN KHÁC