BỆNH VIỆN TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC TỔ TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE CUỘC THI VẼ TRANH “VẼ LÊN ƯỚC MƠ CỦA TRẺ EM THALASSEMIA”
Thalassemia, một căn bệnh thiếu máu di truyền rất phổ biến tại Việt Nam, Tại bệnh viện Truyền máu Huyết học, số lượng bệnh nhân Thalassemia đến khám và điều trị hàng năm tăng 10%. Chỉ trong năm 2014, bệnh viện đã có hơn 16.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bên cạnh việc cho các chỉ định điều trị, cập nhật kiến thức cho người bệnh Thalassemia thì tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học người bệnh Thalassemia còn được chăm sóc về mặt tinh thần. Hội thi vẽ tranh với chủ đề “Vẽ lên ước mơ của trẻ em Thalassemia” là một trong các hoạt động nổi bật của bệnh viện trong năm 2015. Ước mơ của những trẻ em mắc bệnh Thalassemia không khác gì với các trẻ em bình thường. Đối với các em được đến trường, được vui chơi cùng bạn bè chính là mơ ước bên cạnh việc phải ra vào bệnh viện để truyền máu và thải sắt định kỳ (Hình 1).
Hình 1: Tranh vẽ của em Phạm Nguyễn Anh Thư – Giải Nhì
Những gương mặt trong sáng, những nét vẽ ngây thơ và những câu nói vô tư của các em khi nói về các tác phẩm do chính mình tạo nên không khỏi khiến các bậc cha mẹ chạnh lòng. Cuộc sống của các em không chỉ bị ảnh hưởng bởi sức khỏe kém mà khi đủ nhận thức tình trạng bệnh, các bé còn gặp phải mặc cảm vì khác biệt trong cuộc sống với bạn bè đồng lứa. Mơ ước của các em đã được tiếp sức bằng sự quan tâm và động viên của các Bác sĩ, các cô Điều dưỡng tại bệnh viện Truyền máu Huyết học (Hình 2). Thông qua hội thi, các em đã có cơ hội thể hiện năng khiếu, ước mơ cũng như sự quý mến đối với các Bác sĩ, Điều dưỡng đã hàng ngày điều trị, chăm sóc cho các em (Hình 3).
Hình 2: Tranh vẽ của em Đỗ Nguyễn Hoàng Nhi – Giải Nhất
Mơ ước cho những bệnh nhân tan máu bẩm sinh một cuộc sống bình thường là ước mơ của cả một cộng đồng trong chiến dịch lâu dài phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của Thalassemia tại Việt Nam đã được gióng lên. Cuộc chiến với tan máu bẩm sinh là một kế hoạch lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chuyên ngành để bệnh nhân không còn phải đấu tranh trong đơn độc. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng cũng là việc cần được ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn, người mắc bệnh cần tuân thủ theo phương pháp điều trị đúng đắn tại các bệnh viên uy tín như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Truyền máu – Huyết học, Nhi Đồng 1 & 2 tại TP. HCM hay Viện Huyết học Truyền máu TW, BV Nhi TW tại Hà Nội. Người bệnh cũng nên thường xuyên tái khám đúng lịch hẹn để đánh giá tình trạng thiếu máu, tránh biến chứng. Đặc biệt với các bé mắc Thalassemia thể nhẹ, khi trưởng thành muốn lập gia đình thì cũng nên xét nghiệm đối tượng của mình để được bác sỹ tư vấn phù hợp.
Về phía các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn hoặc sinh con cũng nên tầm soát bằng cách xét nghiệm tiền hôn nhân hoặc tiền sinh để giảm thiểu ca trẻ em mắc bệnh. Theo ThS. BS Phạm Quý Trọng, hiện nay ở Việt Nam đang áp dụng 02 kỹ thuật xét nghiệm tiền sinh là “sinh thiết gai nhau” áp dụng cho thai 9 – 10 tuần tuổi, nếu trễ hơn sẽ áp dụng phương pháp chọc ối để phân tích DNA. Nếu kết quả cho ra gen đồng hợp tử bình thường, tức là không mang bệnh. Nếu lọt vô nhóm 25% mang gen bệnh đồng hợp tử thì bác sĩ sẽ tư vấn cho cặp vợ chồng đó để họ đồng ý để ngưng thai kỳ.
Tầm soát, chuẩn đoán Thalassemia tiền hôn nhân và tiền sinh hiện đang cách phòng ngừa hữu hiệu để trong tương lai, chúng ta không phải cay cay khóe mắt khi nhìn thấy con trẻ vẽ nên ước mơ đơn giản mà xót xa: cho con sống một cuộc đời bình thường!
Hình 3: Bệnh nhi Thalassemia tham gia cuộc thi vẽ tranh chụp hình cùng Ban tổ chức chương trình
Phan Vũ Anh – T3G