BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

SINH THIẾT HẠCH – NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

   Sinh thiết hạch là gì?

   Sinh thiết hạch (tên đầy đủ: sinh thiết hạch bạch huyết) là một thủ thuật nhằm loại bỏ một phần của hệ bạch huyết.

   Hệ bạch huyết bao gồm các cơ quan nhỏ, gọi là hạch bạch huyết (có khoảng 500-600 hạch), giúp cơ thể nhận biết và chống lại nhiễm trùng. Các hạch này được tìm thấy khắp nơi trên cơ thể, dễ sờ thấy ở vùng cổ, nách và bẹn.

   Sinh thiết nói chung được sử dụng để xác định một số tình trạng bệnh lý, hoặc cho biết mức độ tiến triển của bệnh đang có. Kết quả sinh thiết giúp bác sĩ quyết định các xét nghiệm và phương pháp điều trị tiếp theo.

 
 
 

   Vì sao cần phải sinh thiết hạch?

   Sinh thiết hạch có thể được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau:

   § Hạch do phản ứng viêm có nguy cơ nhiễm trùng.

   § Hạch do nhiễm trùng, ký sinh trùng.

   § Hạch ác tính: bệnh lý Lymphoma (Hodgkin và Non-Hodgkin), bệnh bạch cầu cấp, v.v

   § Hạch di căn ung thư.

 

   Trước khi sinh thiết

   Bệnh nhân cần làm các xét nghiệm thường quy, xét nghiệm Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, CT scan), nghe bác sĩ tư vấn-giải đáp thắc mắc và ký giấy đồng thuận làm thủ thuật trước khi sinh thiết.

 
 

   Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông như Warfarin, Dabigatran, Rivaroxaban, Tinzaparin, Clopidogrel hoặc Aspirin (hình minh họa), họ có thể được yêu cầu ngưng thuốc này trong một thời gian hoặc thay đổi thành một thuốc chống đông khác có tác dụng ngắn một vài ngày trước khi sinh thiết.

   Bệnh nhân cần nói với điều dưỡng hoặc bác sĩ nếu đã từng có phản ứng dị ứng với bất kỳ thuốc gây tê cục bộ nào trước đây.

   Có thể ăn uống bình thường trước khi làm thủ thuật sinh thiết hạch. 

 

   Sinh thiết hạch được thực hiện như thế nào?

   Sinh thiết hạch được thực hiện bởi bác sĩ tại phòng thủ thuật của bệnh viện, thời gian khoảng 20 phút.

   Vị trí hạch có thể được xác định lại lần nữa thông qua siêu âm.

   Khu vực da xung quanh hạch được cạo lông nếu cần thiết, và được sát trùng. Đầu tiên, bác sĩ tiêm thuốc gây tê cục bộ tại khu vực lấy mẫu hạch. Sau đó, bác sĩ dùng kim nhỏ có lõi xuyên qua da vào hạch để lấy một phần hạch hoặc dùng dao mổ rạch da bóc tách để lấy toàn bộ hạch (hình minh họa). Sau cùng, điều dưỡng dùng gạc băng cố định khu vực vừa sinh thiết.

 
 
 

   Mẫu sinh thiết được gửi đến khoa Giải phẫu bệnh để phân tích. Kết quả giải phẫu bệnh sẽ có sau khoảng 3-5 ngày.

   Bệnh nhân có thể hoạt động và làm việc bình thường ngay sau khi sinh thiết.

   Trong nhiều trường hợp (hạch to, hạch nằm sâu dưới các tổ chức mạch máu – thần kinh, nhiều hạch), bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân làm phẫu thuật thay vì chỉ sinh thiết. Bệnh nhân cần được nhập viện, phẫu thuật có gây mê ngắn và nằm viện theo dõi sau phẫu thuật.

 

   Sau khi sinh thiết

   Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ cảm giác có một vùng bị tê nơi tiêm thuốc gây tê.

   Khi thuốc tê mất tác dụng, nếu cảm thấy đau tại chỗ hoặc khó chịu, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm.

   Bệnh nhân nên giữ cho khu vực sinh thiết khô ráo và sạch sẽ trong hai ngày sau đó.

 

   Có rủi ro nào không?

   Sinh thiết hạch có rủi ro thấp. Các nguy cơ có thể xảy ra bao gồm: chảy máu tại chỗ sinh thiết (tỉ lệ 1/1000 bệnh nhân) và nhiễm trùng. Nếu vẫn còn chảy máu khi về nhà, hãy băng ép tại chỗ sinh thiết cho đến khi hết chảy máu. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng hơn (sưng, nóng đỏ, đau tại chỗ, sốt), bệnh nhân cần đến bệnh viện để khám và dùng thuốc theo toa bác sĩ.

 

   Khi nào có kết quả sinh thiết?

   Bệnh nhân sẽ nhận được kết quả sinh thiết trong lần tái khám tiếp theo, hoặc sớm hơn nếu cần thiết. Đôi khi mẫu hạch sinh thiết không thể kết luận được tình trạng bệnh lý, bệnh nhân sẽ được giải thích và được chỉ định sinh thiết lặp lại.

   Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc quan tâm về bất kỳ khía cạnh nào của sinh thiết hạch, xin vui lòng liên hệ với bệnh viện để có câu trả lời.

 

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

   1. Patient information films – blood diseases (clinical haematology). NHS Foundation Trust. University College London Hospitals.

   2. Cynthia L. Willard. Normal structure, function and histiology of lymph nodes. Toxicology Pathology 2006, 34: 409-424

   3. Mayo Clinic: "Sentinel node biopsy."

   4. National Cancer Institute: "Sentinel Lymph Node Biopsy."

 

Khoa Giải phẫu bệnh- BS Hoàng Nguyễn Ngọc Anh


 

TIN KHÁC